Những nhạc sĩ tài hoa tuổi Sửu

Nhân dịp năm mới đến gần, lòng người bộn bề lo âu cho một cái Tết Tân Sửu – 2021 an toàn do dịch bệnh Covid bùng phát, âm nhạc lại trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi nhà. Trong dịp này chúng ta cùng nhìn lại một số các nhạc sĩ tài hoa sinh năm Sửu, cùng thưởng thức các tác phẩm âm nhạc để đời của họ. 

1.  Nhạc sĩ An Thuyên

An Thuyên tên khai sinh là Nguyễn An Thuyên, sinh ngày 15-8-1949 (năm Kỷ Sửu), ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. 

Năm 1981, An Thuyên được cử đi học khoa sáng tác bậc đại học ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Trong lúc đang tu nghiệp, An Thuyên đã phát tỏa tài năng qua những ca khúc đầy sức cuốn hút và được ghi nhận bằng những giải thưởng, như: Giải thưởng Bộ Quốc phòng với “Hành quân lên Tây Bắc” năm 1984, giải nhất cuộc thi ca khúc toàn quốc với “Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà” năm 1985 (ca khúc phỏng thơ Quang Huy) v.v.. Trên cương vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (sau này là Đại học) Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ông là nhạc sĩ quân đội đầu tiên mang quân hàm thiếu tướng. Năm 1995, An Thuyên đã là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, rồi sau đó trở thành Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho đến trước khi từ giã cõi đời ít năm.

2. Nhạc sĩ Phú Quang

Nhạc sĩ tuổi Kỷ Sửu Phú Quang cũng là một nhạc sĩ nức tiếng tài năng của làng âm nhạc Việt Nam. Phú Quang tên khai sinh là Nguyễn Phú Quang, sinh ngày 13-10-1949 tại Thạch Thất, Hà Nội.

Học chơi nhạc khí, nhưng Phú Quang đã có thiên bẩm sáng tác. Tiểu phẩm anh viết cho sáo flute đã trở thành nhạc mở đầu Chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam suốt nhiều năm tháng. Sau khi tốt nghiệp loại ưu, Phú Quang về Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Ít ngày sau khi giải phóng miền Nam, Phú Quang đã cùng dàn nhạc giao hưởng vào Sài Gòn biểu diễn tại Nhà hát Lớn bản Giao hưởng số 5 của L.V.Beethoven. Ông là người mở đầu giao hưởng bằng tiếng kèn Cor của mình với 4 nốt nhạc kinh điển như tiếng gõ cửa của định mệnh mà nhạc sĩ thiên tài đã viết ra khiến người ta quen gọi là bản giao hưởng “Định mệnh”.

Sau “Trận chiến văn nghệ-Trận chiến cuối cùng” chinh phục lòng người Sài Gòn sau giải phóng, Phú Quang tiếp tục tu nghiệp chỉ huy tại Nhạc viện Hà Nội và thành lập ban nhạc “Mùa thu” chơi nhạc bán cổ điển và chuyển soạn thành công nhiều ca khúc, đặc biệt là “Bài ca xây dựng” của Hoàng Vân do Phú Quang phối khí.

Năm 1986, Phú Quang rời Hà Nội vào công tác tại Sở Văn hóa (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) TP Hồ Chí Minh. Chính cuộc ly hương này đã thực sự biến Phú Quang thành “nhạc sĩ của nỗi nhớ rét” với nhiều ca khúc về Hà Nội, nhiều đến chóng mặt, như: “Im lặng đêm Hà Nội” (thơ Phạm Thị Ngọc Liên), “Đâu phải bởi mùa thu” (thơ Giáng Vân), “Lãng đãng chiều đông Hà Nội” (thơ Tạ Quốc Chương), “Nỗi nhớ mùa đông” (thơ Thảo Phương), “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ)… Tài hoa của Phú Quang còn ở lĩnh vực khí nhạc với những tiểu phẩm thính phòng, giao hưởng, nhạc cho kịch, cải lương, múa, nhạc phim mà điển hình là nhạc cho phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”. Giai điệu Phú Quang lắng đọng, đẹp và trữ tình, dễ thấm vào người nghe. Nhiều năm ở thế kỷ mới, Phú Quang luôn độc diễn các chương trình ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Và chương trình nào cũng “cháy vé”. Đang ở đỉnh cao của vinh quang và dâng hiến, bạo bệnh đã buộc Phú Quang phải nằm viện suốt năm 2020-năm đại dịch Covid-19. Báo Thể thao & Văn hóa đã trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội” cho ông khi ông vẫn chống chọi với bạo bệnh từng ngày. Hy vọng ông sẽ trở lại với đời thường trong mùa Xuân Tân Sửu 2021 và tiếp tục dâng hiến cho cuộc đời ở tuổi đã qua “nhân sinh thất thập cổ lai hy”.

3. Nhạc sĩ Văn Thành Nho

Ông sinh ngày 2-8-1949 tại Vụ Bản, Nam Định. Vụ Bản đã có Văn Cao, Văn Ký làm rạng danh nền âm nhạc Việt Nam. Văn Thành Nho là nhạc sĩ kế tục.

Ông vốn là lính thời chống Mỹ. Sau ngày thống nhất, ông học Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Tốt nghiệp, ông học tiếp khoa sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Những năm tháng tu nghiệp âm nhạc cũng chính là những năm tháng xảy ra chiến tranh bảo vệ biên giới. Trong những bài ca hào hùng thời kỳ đó, “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho còn đượm chất trữ tình và âm hưởng ca trù đến nao lòng.

Văn Thành Nho được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2017.

4. Nhạc sĩ Phan Long

Nhạc sĩ Phan Long sinh ngày 20-9-1949 tại Phú Thọ-đất Tổ Hùng Vương.

Phan Long đang học tại Nhạc viện Hà Nội thì nhập ngũ, trở thành diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Quân chủng Phòng không-Không quân từ năm 1968, cũng đi theo bước chân người lính khắp các nẻo chiến trường. Sau Hiệp định Paris, Phan Long chuyển ngành về làm phóng viên âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam.

5. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Nhạc sĩ sinh ngày 7-10-1949 tại làng Kha Lý, huyện Thụy Anh (nay là Thái Thụy), tỉnh Thái Bình.

Đã làm thơ và viết ca khúc từ năm 1965. Nhưng do truyền thống khoa học tự nhiên trong nhà, ông lại trở thành kỹ sư thông tin. Chiến tranh đã “lộn trái” ông thành người lính. Cũng vì làm người lính nên ông tình nguyện suốt đời viết về những dâng hiến và hy sinh lặng lẽ của biết bao người lính. Ông đã nhờ họ mà được công chúng và dư luận biết tới nhiều năm nay.

Ảnh đại diện admin
Không có bình luận nào để hiển thị.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua.

Insert the contact form shortcode with the additional CSS class- "avatarnews-newsletter-section"

By signing up, you agree to the our terms and our Privacy Policy agreement.