Những nhạc phẩm bất hủ về mùa thu

Mùa thu lãng đãng lá bay, gió heo may luồn qua kẽ tay hanh hao, mùi hương hoa sữa phả nồng trong gió, khi đó ngân khe khẽ trong lòng người trên phố là những khúc thu bất hủ đi cùng năm tháng. 

1. “Thu cô liêu” (nhạc sĩ Văn Cao)

“… Thu cô liêu, tịch liêu

Cô thôn chiều, ta yêu thu, yêu mùa thu

Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi

Một mùa thi, một mùa thi

Lá xanh rơi rụng, buồn chi lá vàng…”

Dường như mùa thu có mối duyên nợ kỳ lạ với cố nhạc sĩ Văn Cao. Khi sinh thời, ônh từng tâm sự rằng: “Những kỷ niệm về mùa thu thì có quá nhiều trong cuộc đời, không chỉ mùa thu cách mạng mà còn cả mùa thu tình ái. Mùa thu gợi một cái gì đó về nam nữ, có lẽ là mùa cưới. Mùa cưới của chúng ta cũng lại vào mùa thu. Cái lành lạnh của mùa thu và những chiếc lá thay đổi màu cũng khiến tâm tính con người trở nên khác lạ”.

2. “Mùa thu cho em” (nhạc sĩ Ngô Thụy Miên)

“… Anh có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ

Anh có nghe nai vàng hát khúc yêu đương

Và anh có nghe khi mùa thu tới

Mang ái ân, mang tình yêu tới

Anh có nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé…”

Khi mùa hè với cái nắng gay gắt qua đi, mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Đó chính là lời nhắn nhủ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc Mùa thu cho em. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mang âm hưởng những năm 1970 mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở người nghe rằng mùa thu đã sang rồi.

Tình cảm dành cho mùa thu được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thể hiện vừa lãng mạn, lại vừa kín đáo nhưng vẫn có sự nồng nàn trong các tình khúc của mình. Cô gái trong bài hát đã nhờ vẻ đẹp “má hồng”, “môi em thơm nồng” của mùa thu để bày tỏ tình yêu của mình một cách ý nhị. Khi thiên nhiên, đất trời thay áo mới, con người cũng khoác lên mình một tâm hồn mới, đầy ắp yêu thương và hy vọng.

3. “Không còn mùa thu” (nhạc sĩ Việt Anh)

“… Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm

Không còn lời ru, mơ trên môi mềm

Em thơ, như mùa xuân đầu, nối dài đêm sâu

Anh làm mùa thu, cho em mơ màng…”

Ngoài vẻ đẹp quyến rũ làm xao xuyến lòng người, mùa thu với những lời ru, ánh trăng thề, những con đường hiu quạnh còn đem lại cảm giác buồn man mác. Đó là sự hoài niệm về những gì đã qua, về mối tình cũ đã chìm trong quá khứ. Mùa thu đến và đi quá đột ngột, cũng giống như chuyện tình dang dở của cô gái trong ca khúc Không còn mùa thu, để lại bao nuối tiếc và thương nhớ. Những ký ức về cuộc tình cũ cứ hiện về trong tâm trí của cô gái ấy mỗi độ thu sang.

Không còn mùa thu gắn liền với tiếng hát của nữ ca sĩ được mệnh danh là giọng ca “mùa thu Hà Nội” – Thu Phương (nghe ca khúc). Giai điệu trữ tình cùng chất giọng nồng nàn, tha thiết của Thu Phương gợi cho người nghe một cảm giác xao xuyến, bồi hồi. Nhắc tới mùa thu, hầu như ai cũng hình dung ra sắc vàng. Đó là màu của những chiếc lá rơi bên thềm, của ánh trăng khuya và cũng là màu vàng tê tái của những ký ức tươi đẹp đã qua, chìm khuất tận nơi chân trời.

https://www.youtube.com/watch?v=cMmWnOLhTGE

4. “Mùa thu ru em” (nhạc sĩ Đức Huy)

“… Hôm mùa thu gió hát bài ca cũ

Mùa thu bay lá vàng

Anh ru em ngủ, bài ca dao ta vẫn hát

Lúc còn ấu thơ

Nắng vàng ấm suối tóc dệt mây thu

Mùa thu ru phím đàn…”

Mùa thu trong nhạc phẩm của Đức Huy đầy rực rỡ, mộng mơ với những lời ru tình yêu, “bờ môi nhớ thương” và đặc biệt là “bài ca dao ta vẫn hát lúc còn ấu thơ”. Dù cho nữ ca sĩ mang tên một loài hoa đã ra đi quá vội vàng, tiếng hát du dương của chị vẫn sẽ mãi như lời ru của mùa thu – e ấp, hiền hòa, vun đắp cho những tình yêu chớm nở, khiến lòng người đắm say trong những giấc mơ “dài cơn mê thương yêu ấy, những ngày ái ân”.

5. “Nhìn những mùa thu đi/ Nắng thủy tinh” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

“… Nhìn những mùa thu đi

Em nghe sầu lên trong nắng

Và lá rụng ngoài song

Nghe tên mình vào quên lãng

Nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”

“… Chiều đã đi vào vườn mắt em

Mùa thu qua tay đã bao lần

Ngàn cây thắp nến lên hai hàng

Màu nắng bây giờ trong mắt em…”

Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh đều là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc VN. Đều lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng nếu như Nắng thủy tinh là một “chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” thì buổi chiều trong Nhìn những mùa thu đi lại “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”. Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua và “nghe tên mình vào quên lãng”. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi.