Những nét đẹp độc đáo trong âm nhạc Mozart

Shostakovich đã từng nói “ Mozart là tuổi xuân của âm nhạc, là nguồn sống khi xuân về và là sự hài hòa của tâm hồn”. Các nốt nhạc của ông bao giờ cũng tạo cho người nghe một cảm giác hài hòa, cân đối. Chính vì vậy mà mọi người thường hay nói trẻ nhỏ nếu được nghe âm nhạc của Mozart sẽ có một sự kích thích rất tốt để phát triển về trí tuệ và tâm hồn. 

Wolfgang Amadeus Mozart sinh ngày 27/1/1756 tại Salzburg, thuộc nước Áo ngày nay. Cha ông là Leopold Mozart, một giáo viên và cũng là một nhà chơi đàn violon, đàn phong cầm nổi tiếng. Mẹ và chị gái của Mozart đều là những nhạc công giỏi.

Tài năng piano của Mozart được phát hiện khi ông mới 2 tuổi, khi nghe mẹ đánh đàn Mozart đã có thể đánh lại ngay được bản nhạc ấy. Nhận thấy khả năng thiên bẩm của con mình, ông Leopold quyết định dạy nhạc cho Mozart ngay từ khi còn nhỏ. 4 tuổi cậu bé đã có thể thuộc lòng một bản khiêu vũ nhịp ba hay một khúc tam tấu chỉ trong nửa giờ đồng hồ, và không lâu sau cậu có thể tự mình sáng tác nhạc cho đàn piano. 

Mozart cũng có thể đàn chính xác từng nốt nhạc trong phần violon bè hai, violon bè 1 trong khi chưa từng học qua cách chơi vĩ cầm. Tài năng của cậu bé nhanh chóng lan rộng, thuận đà năm 1762 khi mới 6 tuổi, ông Leopold quyết định đưa con trai Mozart và con gái Nannerl đi lưu diễn khắp Châu Âu, từ Munich, Vienne đế Amsterdam, Geneve, Paris, London. Chuyến đi này kết thúc năm 1766 và tiếp tục lần 2 vào năm 1769.

Hai chị em đã khiến giới mộ điệu âm nhạc thán phục, nhất là cậu em Mozart. Hoàng đế Đức Francis I gọi Mozart là thầy phù thủy bé nhỏ, để dành được lời khen này giữa muôn vàn tài năng piano đang nở rộ thời kỳ bấy giờ là rất quý giá. Và sự kiện làm bùng lên tên tuổi của cậu là việc được phong làm Viện sỹ Viện Hàn lâm nghệ thuật Bolong, một việc chưa từng xảy ra trước đây. 

Với kinh nghiệm lưu diễn và học hỏi âm thanh piano ở nhiều vùng khác nhau, giúp Mozart tiếp thu được nhiều phong cách âm nhạc. Trong âm nhạc của ông người ta thường thấy sự kết tinh nét nhạc của nhiều quốc gia, khác với Haydn mang màu sắc âm nhạc nước Áo, hay Handel với đặc trưng âm nhạc thuần nước Đức. 

Trong cuộc đời 35 năm ngắn ngủi của mình, Mozart đã viết một số lượng tác phẩm khổng lồ, 626 tác phẩm bao gồm: 41 giao hưởng, 23 nhạc kịch, 25 bản concerto cho piano, 7 concerto cho violon, 17 sonata cho piano, 42 sonata violon, 15 mexa, hàng trăm bản nhạc thính phòng và ca khúc, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: sonata Piano A dur, concertos Piano d moll, bản giao hưởng số 39, 40, 41. Ngoài ra còn có nhiều ca khúc, nhiều bản song, tam, tứ, tấu, một số thanh xướng kịch trong đó nổi tiếng là tác phẩm “Cầu hồn”.

Từ những tác phẩm nhỏ nhất (những khúc thanh nhạc) tới những thể loại có hình thức cấu trúc lớn (concerto, giao hưởng, nhạc kịch); ở mỗi thể loại, Mozart đã đưa âm nhạc cổ điển lên đến mẫu mực và sau này trở thành những nguyên tắc kinh điển trong âm nhạc cổ điển mà các nhạc sỹ thời kỳ sau luôn kế thừa và trân trọng. 

Trong các sáng tác của Mozart, nhạc kịch chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Sáng tác nhạc kịch từ năm lên 11 tuổi, nhưng phải đến 10 năm cuối đời sống tại Vienne, những vở nhạc kịch của ông mới đạt đến thành tựu cao nhất. Trong các tác phẩm nhạc kịch của mình, Mozart đã khéo léo kết hợp nền nhạc kịch dân tộc Đức với những yếu tố nhạc kịch Italy, đồng thời thể hiện nhiều quan niệm mới mẻ. Ông luôn tâm niệm: “Phải đạt đến chỗ âm nhạc và nội dung của vở kịch hợp thành một thể thống nhất không thể chia cắt, làm cho một vở ca kịch khi diễn xuất thì tất cả những nhân tố đều phải nương tựa vào nhau”. 

Và có thể nhận thấy, các tác phẩm của Mozart luôn là sự kết hợp đầy ngẫu hứng và thống nhất giữa âm nhạc của kịch với chủ nghĩa nhân đạo và những cảm thụ phong phú có từ cuộc sống. Mặc dù là một nhạc sỹ thiên tài nhưng Mozart luôn phải sáng tác không ngừng nghỉ để kiếm sống. Chính vì vậy, sức khỏe của Mozart ngày càng kém. Mozart qua đời ngày 5/12/1791 khi mới 35 tuổi.

Nhận xét về từ điển Larousse của Pháp đã viết: “Mozart luôn tìm kiếm sự thanh khiết, nét tao nhã và biết đạt tới vẻ đẹp cao cả xuyên qua sự đơn sơ và nét duyên dáng”… Từ khi âm nhạc của Mozart lấp lánh rơi vào kho tàng âm nhạc nhân loại, những nhận xét này chưa bao giờ thay đổi.