Nhạc cụ gọi mùa và đuổi tà của dân tộc M’nông

Các đồng bào dân tộc thiểu số của Việt Nam có đời sống sinh hoạt tinh thần rất phong phú, họ dùng âm nhạc trong các dịp lễ, tết còn dùng nó để giải trí hoặc phục vụ cho các mục đích tín ngưỡng. 

Kèn Rlet là một trong số những nhạc cụ đặc biệt của người M’nông có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh. 

Người M’nông tin rằng, đời sống, sức khoẻ, công việc làm ăn của mọi thành viên trong gia đình, dòng họ phụ thuộc vào ba vị thần, đó là: Thần Lúa, thần Kuắt (Kuắt là một túi dây rừng) và thần Rlet. Đồng bào tin rằng khi thổi Rlet có thể gọi được thần Lúa về, đuổi ma xấu đi, chính vì thế Kèn Rlet không thể thiếu trong lễ cúng lớn, có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh của cộng đồng người M’nông.

Kèn Rlet được cấu tạo gồm một ống nứa nhỏ đường kính chừng 1,5-1,8cm, dài khoảng 35cm, cắm xuyên qua vỏ một quả bầu khô. Đoạn ống nứa nằm trong thân bầu có một lỗ nhỏ, gắn một lưỡi gà làm bộ phận phát âm, đầu kia của ống nứa được cắm ngang qua một ống nứa lớn có đường kính khoảng 5cm, dài từ 15-20cm, đáy ống có mắt nứa bịt kín, đầu trên vát nhọn…

Khi thổi Rlet người ta đổ nước vào ống này để luồng hơi thổi phải qua ống nước mới ra ngoài, khiến âm thanh của Rlet trở nên trong và ấm hơn. Ống của Rlet được khoét 3 lỗ, khi thổi kèn, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, kèn Rlet sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành một phối âm phù hợp với ba chiếc chiêng dẹt của người M’nông.

Đồng bào M’nông quan niệm nhà nào có kèn Rlet để trong nhà thổi thời gian từ một tháng đến lâu nhất là ba năm phải cúng một con trâu, cúng trâu xong thì mang kèn Rlet cất trên bàn thờ ông bà, không thổi nữa. Mỗi lần nhà có làm lễ cúng bái đều phải cúng kèn Rlet. Họ cho rằng có kèn Rlet để trên bàn thờ, ma quỷ không dám vào nhà quấy phá gia đình.

Ngày làm kèn Rlet phải mời các già làng, cử một số thanh niên đến giúp việc chuẩn bị cho nhà sắp tổ chức lễ. Gia đình nào làm kèn này phải kiêng cữ đủ chuyện: Cữ ăn cá lóc, cá trê, cữ ăn thịt trâu bò cúng lễ, khi xuất bán vật nuôi cũng phải cúng bái. Chủ nhà giữ tục kiêng cữ đến khi nào tuốt lúa xong, chém trâu tạ thần linh, bỏ kèn thì mới hết kiêng cữ. Cuối năm đó, dù có thu được vài gùi lúa cũng buộc phải giết trâu hoặc bò cúng trả ơn thần kèn Rlet đã bảo vệ cho rẫy lúa và gia đình trong cả năm.

Có ba trường hợp phải làm kèn Rlet: Thứ nhất, thú rừng vào rẫy hoặc bị chết trong rẫy, người ta phải làm kèn để đuổi các thần xấu ấy đi. Trường hợp này họ thổi kèn từ lúc chưa tỉa lúa đến tháng ba năm sau, chém trâu hoặc bò tạ thần linh rồi bỏ; Thứ hai, trong nhà có người đau ốm triền miên, chữa trị không hết phải làm kèn để đuổi ma quỷ quấy phá. Trường hợp này có thể thổi đến ba năm, sau đó chém trâu tạ thần rồi mới bỏ; Thứ ba, làm kèn Rlet gọi thần lúa từ trên trời xuống. Trường hợp này, từ ngày làm kèn đến ngày chém trâu tạ thần không quá một tháng thì bỏ, không được sử dụng nữa.

Việc thổi kèn Rlet không được tuỳ tiện mà phải theo một quy định đặc biệt, người ta phải làm một cái sạp cho người thổi Rlet (có thể là đàn ông hoặc đàn bà song phải là người đứng đắn, tốt, được bà con hàng xóm yêu mến, công nhận), ngồi để thổi kèn sát cạnh cột buộc trâu.

Cùng với Đinh tak ta của người Êđê, kèn Rlet của người M’nông cũng được các nhà nghiên cứu, sưu tầm âm nhạc dân gian Tây Nguyên cải tiến, thể nghiệm, sáng tác những bài bản mới dựa trên chất liệu dân gian để đưa vào phục vụ biểu diễn nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp.

Ảnh đại diện admin
Không có bình luận nào để hiển thị.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua.

Insert the contact form shortcode with the additional CSS class- "avatarnews-newsletter-section"

By signing up, you agree to the our terms and our Privacy Policy agreement.

Contact Me on Zalo