Nhạc cụ cổ của Việt Nam hiện nay dường như đang bị người trẻ lãng quên, tuy nhiên đang có rất nhiều các chương trình khôi phục và hi vọng nó sẽ được đưa vào nhà trường phổ thông như một môn học tự chọn. Bởi ngay từ xa xưa, nước Pháp – một cường quốc có nền âm nhạc phát triển họ đã có những đánh giá rất cao về các nhạc cụ cổ truyền của người Việt.
Trong cuốn Đế quốc An Nam và người dân An Nam – tập hợp bài báo của các tác giả Pháp khuyết danh, thông tin về các loại nhạc cụ cổ truyền Việt Nam đầu thế kỷ 19 được ghi chép chi tiết.
Ở chương bốn mang tên “Kiến thức, kỹ nghệ, hoạt động tiêu khiển”, sách giới thiệu qua về sân khấu cổ truyền Việt Nam với hai loại hình gánh hát là phường nhà trò và phường chèo, trước khi đi sâu mô tả một số loại đàn truyền thống.
Đàn thập lục huyền (đàn tranh: Là loại đàn có 16 dây kim loại căng trên ngựa đàn bằng gỗ, ngà hoặc sừng. Các ngựa này gắn trên một thân cây rỗng, dài bốn thước (1 thước = 40cm), rộng 8 tấc. Người chơi gảy các dây bằng một móng sắt gắn vào ngón trỏ hoặc ngón cái.
Bằng kiến thức âm nhạc châu Âu, tác giả một bài viết so sánh: “Âm thanh nhạc cụ này dễ nghe nhất và giống với âm của đàn phong cầm Argentina, hòa hợp tuyệt diệu với giọng ngâm các đoạn thơ trong ngôn ngữ đơn âm và được hòa với nhau”.
Đàn Nhị được mô tả là loại đàn có hai dây, cần đàn gắn trên một mẩu sừng hoặc ống tre rỗng dạng bầu loa và được bịt lại bằng lớp da rắn, bên cạnh gắn hai dây. Âm thanh, có lẽ kém mạnh so với đàn violin châu Âu, nhưng dễ chịu và thấm thía”. Đàn tam huyền, lục huyền cũng được giới thiệu.
Cuối cùng, trong loạt bài về hoạt động tiêu khiển của người An Nam, các nhà báo người Pháp dành nhiều lời để nói về đàn bầu. “Độc huyền cầm được làm bằng một đoạn tre lớn cắt một nửa và ở một đầu bắc qua một cái cần, đầu kia sợi dây sắt kéo đến cột vào ở phần tận cùng của cần này, làm nó rất linh hoạt, và người ta nhích nhẹ qua cách mở các ngón tay được điều chỉnh trong khi sợi dây được gẩy bằng một chốt bằng gỗ.
Âm thanh nhạc cụ này đầy cảm xúc và tinh tế, nó phù hợp hoàn hảo để bắt chước tiếng oe oe của đứa trẻ hay tiếng thở dài phiền muộn của người mẹ. Và ban đêm, khi đi xa, người ta thích nghe nho sĩ hoặc thợ cày khơi dậy sự u tịch nơi trú ngụ và giải sầu đôi chút”, một tác giả viết.
Nhạc cụ hơi của Việt Nam được các nhà báo Pháp ghi nhận “ người ta chỉ thấy sáo trúc”. Bộ gõ được điểm danh với các loại trống, bên cạnh các nhạc cụ khác như xanh, trắc, mõ gỗ, que tiền xu dùng để đánh nhịp.
“Nói chung, phường nhà trò hay kép độc chỉ chơi những nhạc cụ dây, là những nhạc cụ cao quý nhất, mà họ sử dụng để đệm theo câu của những đoạn thơ”, một bài viết kết luận.
Những bài báo này cũng cho biết phường nhà trò là những kép hài có địa vị và phẩm tước của triều đình. Những người biểu diễn gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, những người có đất đai, lập nên một làng nghề phục vụ nhà vua, hàng năm họ sẽ diễn một số chủ đề trong những dịp lễ cho hí viện của nhà vua. Chính nhờ địa vị này họ có thể độc quyền về tuồng kịch ở một huyện hoặc một tỉnh, có quyền đưa ra yêu sách cho mọi buổi trình diễn lớn tại các địa phương.
Cùng với tài năng, các nhạc cụ dân tộc cổ truyền lâu đời, các phường nhà trò dành cả đời cật lực trong lĩnh vực của mình, luyện tập chơi nhạc cụ và nói ca. Hiện nay các nhạc cụ này cũng được đưa ra thế giới với những lời khen tặng từ các chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân gian, điều này khẳng định nhạc cụ cổ truyền Việt Nam có những ý hay, nét đẹp riêng, không nên lãng phí và mai một.