Trong một bài viết Lin Marsh – nhà sản xuất âm nhạc chương trình World Voice của Hội đồng Anh đã giải thích về mối tương quan khi trẻ được sống trong một thế giới nhiều âm nhạc và các điệu nhảy.
Giải trí là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống
Ngày nay, con người được trang bị tốt để đối phó với những thách thức và khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta sống lâu hơn, tận hưởng nhiều thời gian giải trí hơn và có quyền truy cập vào kho tàng kiến thức thế giới chỉ bằng một nút bấm.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa: trẻ em đang dành ít thời gian hơn với các trò chơi thể chất, không còn những trò chơi được tạo ra do trí tưởng tượng hay thậm chí là sự tương tác với ba mẹ. Nhiều người đang trở nên cô lập về mặt xã hội vì thời gian giải trí của họ được dành trước máy tính hoặc tivi. Họ đang mất khả năng đồng cảm, giao tiếp và đọc vị ngôn ngữ cảm xúc.
Tuy nhiên, những giai điệu, âm nhạc, ca hát và nhảy múa vẫn có đủ khả năng kéo con người về thực tại. Những điều này có thể khiến trí tưởng tượng của họ bay bổng, trở về hòa nhập với môi trường sống. Vì vậy mà âm nhạc đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi chúng ta.
Con người đại diện cho sự sáng tạo, âm nhạc và nghệ thuật
Một em bé trong bụng mẹ đã biết cảm âm theo nhịp tim mẹ. Trẻ có khả năng cảm nhận âm thanh và cảm xúc trong giọng điệu của mẹ. Khi em bé chào đời, bé tạo ra âm thanh đầu tiên với nhạc cụ đầu tiên chính là: giọng nói. Trong vài tuần, giọng nói này được sử dụng để đòi bú sữa, nhưng dần dần bé phát hiện ra âm thanh của chính mình và bắt đầu thử nghiệm bằng cách tập nói, la hét, khóc – điều này được gọi là sự sáng tác.
Đến bốn tháng, trẻ bắt đầu biết biểu hiện ra nét mặt và thể hiện cảm xúc của mình. Tiếng cười bắt đầu ngay sau đó, và phần lớn trẻ tiếp nhận thế giới bằng các trò chơi và âm thanh. Đến sáu tháng, các bé đã có thể nhận ra và phản ứng với các bài hát bằng cách chuyển động, lắc lư, đập tay hay sử dụng đồ chơi để lắc theo điệu nhạc.
Khi còn nhỏ, chúng ta sử dụng giọng nói và các vật dụng xung quanh để thể hiện cảm xúc. Điều này thể hiện khả năng học tập của con người không cần dùng đến những ngôn ngữ phức tạp mà chỉ cần thông qua mô hình, nhịp điệu, vần điệu và cấu trúc âm thanh. Cách học tập này giúp con người gắn kết và thể hiện cảm xúc dễ dàng hơn, cho con người nhiều niềm vui và thúc đẩy trí tưởng tượng phát triển.
Ca hát mang đến những lợi ích gì cho trẻ?
Ý nghĩa của âm nhạc hay các điệu nhảy không chỉ nằm ở ngôn ngữ. Phản ứng đầu tiên của trẻ khi tiếp xúc với âm thanh được biểu hiện qua sự chuyển động của cơ thể. Các bé tự tạo ra vũ đạo cho riêng mình (đá và đánh trong bụng mẹ) và trẻ nhỏ hoàn toàn bị cuốn hút vào cảm giác vật lý của chuyển động.
Theo nhiều nghiên cứu, ca hát cũng là một bài tập aerobic giúp cải thiện hiệu quả cho hệ tim mạch, tăng oxy cho máu và cải thiện sự tỉnh táo cho cả trẻ em lẫn người lớn. Ngoài ra, ca hát còn giúp giảm căng thẳng, tăng tuổi thọ và sức khỏe nói chung, cải thiện luồng không khí ở đường hô hấp, cản trở vi khuẩn có thể gây cảm lạnh và cúm nói riêng.
Lin Marsh đã quan sát và nhận thấy rằng việc hát cùng nhau giúp cải thiện hành vi của trẻ, các em được gắn kết với cả bài hát và ngôn ngữ. Trẻ có thể bày tỏ cảm giác vui mừng hay phấn khích, sợ hãi hay tự hào khi hát, do hoạt động âm nhạc này có sự liên kết của nhiều phần khác nhau của não.
Rất nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của âm nhạc và khiêu vũ đối với trẻ, những loại hình nghệ thuật này có thể giúp trẻ phát triển toàn diện.