Kỹ nghệ âm nhạc

Đây là một bài viết của tác giả Quốc bảo bàn về cách làm nhạc, tinh thần riêng, chất riêng của các sản phẩm âm nhạc Việt Nam hiện nay. 

“ Người Hàn Quốc, từ góc nhìn ngôn ngữ học, được kính phục khi họ phát minh ra bảng chữ cái vừa đặc sắc vừa tiện dụng và hiệu quả. Trong khi ấy ở nhạc pop, họ lại phát triển theo hướng chỉ còn giữ lại tiện dụng và hiệu quả, còn đặc sắc thì bỏ mất”

Tiện lợi, chắc thắng. Con đường âm nhạc đại chúng, rập khuôn Mỹ, thực chất là con đường dễ đi, bảo đảm thành công – tuy không có thành tựu, và chỉ tốn duy nhất một thứ là tiền. Một “kỹ nghệ âm nhạc” xây dựng trên hai tiêu chí ấy có phải là điều Việt Nam mong muốn?

Xét thuần túy thống kê, một nền âm nhạc non trẻ như của chúng ta mà có cả ngàn nghệ sĩ, cả triệu bài hát, nhưng không còn một hãng đĩa đáng kể nào, thì hơi kỳ quái và bất ổn. Cho dù nhạc pop dùng để giải trí là chính, nó cũng không dễ dãi đến mức chỉ cần biết vài công thức là có thể làm hàng loạt.

Kẻ khẩu hiệu còn phải có phong cách, huống hồ viết nhạc và hát. Từ khi nào, chúng ta đã quên đầu tư chất xám, và tự biến mình thành những chú robot soạn nhạc?

Việt Nam đã phát triển thứ “kỹ nghệ âm nhạc” kiểu này từ những nền tảng có phần manh mún nhưng lại không giống bất kỳ nước nào. Thứ nhất, âm nhạc truyền thống của chúng ta chắc chắn không trùng lặp với ai. Kế nữa, tân nhạc của chúng ta đi từ nhạc đại chúng Pháp, cũng không nước nào giống như vậy. Miền Nam được nuôi dưỡng cùng một nguồn sữa với Âu Mỹ: nhạc trẻ những năm 60 và 70. Rồi khi đất nước thống nhất, các ảnh hưởng Đông Âu và Liên Xô để lại trong tác khúc, cách diễn tấu, phong cách hát của âm nhạc Việt một hương vị đặc biệt. Nếu từ cái sự độc đáo riêng tư – như một thứ Trời cho – mà không biết phát huy, để nó nhạt nhòa đi thì rất uổng.

Khi tiếp xúc với người Nhật, tinh thần quốc gia cháy rừng rực của họ có khi làm tôi phát ngốt. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chúng ta có thể yêu hoặc ghét chất Nhật, chứ không thể coi thường, khinh rẻ. Họ làm gì đi nữa, từ những chuyện nhỏ như ứng xử xã hội, ăn uống đến những chuyện vĩ mô như nền kinh tế hay nghệ thuật, đều đậm chất Nhật, thấm nhuần triết lý Nhật, mang hơi thở Nhật và dứt khoát phải được nhận diện như một đặc thù quốc gia. Tôi không phải là fan của nhạc pop Nhật, song tôi luôn thán phục cách họ xây dựng nền nhạc pop của họ. Hoàn toàn khác với Hàn, người Nhật không rập khuôn công nghệ và quy cách Mỹ.

Tôi trực tiếp theo dõi, bám sát và phân tích những biến động trong đời sống âm nhạc đại chúng Việt từ 1985 đến giờ. Những gì trước đó, tôi nghiên cứu gián tiếp. Và tôi thẳng thắn trình bày nhận định của mình như sau: từ năm 1985 đến năm 2000, chúng ta có những ca khúc tốt hơn hẳn sau đó. Mười lăm năm đó có giá trị hơn mười tám năm nối sau.

Mười lăm năm đó, chúng ta có một mặt bằng âm nhạc vừa thoát thai khỏi sinh hoạt văn công và ca khúc chính trị, vừa được học bài học kinh tế thị trường mới, còn nhiều bỡ ngỡ non nớt. Nhưng sinh hoạt “văn công đời mới” mà giờ đây những người trong nghề thỉnh thoảng đem ra trêu nhau, lại trong sáng và nhiều thiện tâm hơn: nhân chi sơ tính bản thiện, vâng vụng về ừ lúng túng – các nhạc sĩ thời ấy viết chậm, không nhiều tác phẩm – nhưng độc đáo, có phong vị riêng. Bắt đầu từ lúc Làn Sóng Xanh lặng sóng – sau năm 2000, nhạc Việt suy vi.

Dùng từ “suy vi” e hơi bi quan. Tất nhiên ở đây tôi nói với tư cách người trong cuộc, người cùng chịu trách nhiệm về sự tiến thoái của cả một mặt bằng mà tôi có tham gia. Cũng có một số sáng tác tốt, mới lạ, nhưng xét tổng thể thì không ổn lắm. 

Riêng việc phải khơi gợi ký ức bolero cũng đủ thấy chúng ta lúng túng như thế nào, không đủ tài tạo ra những thứ hấp dẫn người nghe ra sao…Một nền âm nhạc lành mạnh cần những điều kiện: Bảo vệ sở hữu trí tuệ thật tốt và vững chãi; Khuyến khích những tìm tòi cách tân; Đặt nền móng trên những yếu tố đặc thù quốc gia; Tôn vinh các giá trị đích thực, giảm thiểu những ngộ nhận do quảng cáo.

Để xây dựng các nền tảng nói trên, chúng ta sẽ mất thì giờ nhiều. Chúng ta sẽ phải học cách đi chậm, nói khẽ. Chúng ta sẽ phải tiết chế những gì đao to búa lớn, thiếu thực chất.

Nhưng còn cách nào khác đâu, bởi nghệ thuật chẳng bao giờ có chuyện đi tắt đón đầu hay là té nước theo mưa. Mọi thứ đều cần kiên nhẫn, nhiệt tâm và nghiêm cẩn.

Bài viết cũng gây ra khá nhiều tranh luận, nhưng ý kiến nào cũng có biện luận trái phải, và chúng ta, những người yêu nhạc luôn chờ những tác phẩm hay, đột phá của các nhạc sĩ, làm giàu cho thị trường âm nhạc đang khan hiếm các tác phẩm chất lượng như hiện nay. 

Theo Internet

Ảnh đại diện admin
Không có bình luận nào để hiển thị.

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit, sed do eiusmod tempor incididunt ut labore et dolore magna aliqua.

Insert the contact form shortcode with the additional CSS class- "avatarnews-newsletter-section"

By signing up, you agree to the our terms and our Privacy Policy agreement.

Contact Me on Zalo