Đằng sau những ca khúc để đời của The Carpenter – Những người thợ mộc

The Carpenter là một trong những cái tên đình đám của giới mộ điệu âm nhạc của thập kỷ 70 thế kỷ trước. lần đầu tiên họ đạt No.1 trên bảng xếp hạng Billboards với ca khúc ( They Long To Be You) Close To You cho đến những năm sau này họ chiếm lĩnh ngôi vị số 1 với nhiều bản hit khác trong đó nổi tiếng nhất phải nhắc đến Top Of The World. Ca khúc này đã giúp Carpenters đứng trên đỉnh của thế giới suốt nhiều năm, cho đến năm 1983, khi Richard nghiện Quaalude (một loại thuốc an thần) và Karen qua đời do chứng chán ăn. 

Năm 1974 là khoảng thời gian tối tăm với nhạc đại chúng. Công chúng cần được xoa dịu bằng thứ nhạc mềm mại, không cảm giác thách thức hay nặng nề. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Đó là những năm của các cuộc chiến tranh, những vụ ám sát, thế giới dường như trở thành chốn hiểm nguy và khó lường. Vì vậy, thứ âm nhạc an toàn và dễ chịu sẽ là liều thuốc tinh thần đáng quý, mang đến chút cân bằng cho cuộc sống bao trùm toàn tin tức tiêu cực thời ấy. Đây cũng là lúc mà nhiều người thuộc thế hệ baby boomer tốt nghiệp đại học và bước vào trường đời. Họ không còn là những đứa trẻ nổi loạn nữa, họ cần sự thẳng thớm của những bộ cánh lao động và liều thuốc giải khuây cho những vấp ngã trên đường đời.Hầu hết những nghệ sĩ có đĩa đơn No.1 trong thập niên 60 của thế kỷ trước thường rơi vào độ tuổi teen hay đôi mươi, trong khi những người làm nên hit của thập niên 70 thường rơi vào độ tuổi 20-30. Giai điệu có thể khác nhau, dòng nhạc có thể đa dạng, nhưng nhìn chung họ đến từ cùng một thế hệ. Thế hệ này đã thay đổi, âm nhạc cũng thay đổi. Điều đó là tự nhiên, và cũng có nghĩa là thứ âm nhạc dịu dàng đều đều thống trị các bảng xếp hạng.

Carpenters là những người tiên phong đưa thứ âm nhạc “ru ngủ” ấy trở nên phổ biến. Nhưng so với nhiều người bắt chước theo họ, âm nhạc của Carpenters rất phong phú, nhiều lớp và nhiều ngẫm suy. “Những người thợ mộc” (Carpenter trong tiếng Anh là thợ mộc) đã tạo ra những bước nhảy vọt vào đầu thập niên 70, nhưng họ đã khéo léo để tạo nên những âm thanh réo rắt, pha thêm sự thăng hoa rất đỗi tự nhiên và êm đềm, như chính cái tên của họ. Và Top Of The World (Tạm dịch: Đỉnh cao thế giới) có thêm cái chất mà nền soft rock những năm 70 rất thiếu: cái duyên thầm thông minh. 

Richard Carpenter đồng sáng tác nên Top Of The World với John Bettis, đồng tác giả rất nhiều ca khúc của Carpenters. Chẳng hạn như (They Long To Be) Close To You, bài hát về một thứ tình yêu rụt rè mà mênh mang rất con gái, một ca khúc nhẹ nhàng đến cực điểm mà cái hay cũng chính ở cái sự dịu dàng đầy duyên dáng ấy.

Khi chắp bút Top Of The World, Bettis và Carpenter vốn chỉ định viết một ca khúc nằm trong album, họ không có kế hoạch phát hành dưới dạng single. Nhưng sau khi album A Song For You của Carpenters ra mắt, Anderson đã làm nên hit với bản cover Top Of The World pha thêm tiếng guitar thép pê-đan (Pedal steel guitar). Vậy là, Carpenters lại tạo nên “đỉnh cao thế giới”, hơn một năm sau khi giành được No.1 cho album.

Top Of The World không phải là một bản ballad, mà là thứ giai điệu chắc nịch với tốc độ vừa phải, thêm tiếng trống Hal Blaine gây ra cảm giác “ngứa ngáy” muốn tăng tốc nhưng vẫn đủ kiềm chế để nghe như một bản ballad nhanh hơn bình thường. Nó là một bản nhạc tươi tắn, ngọt ngào và đầy màu sắc. Ở đó có sự tự tin đáng ngưỡng mộ, nhưng cũng có điều rất khác biệt mang tên Karen Carpenter.

Karen Carpenter luôn biết thêm một chút u sầu vào trong bài hát một cách tự nhiên, khiến người nghe không thể cưỡng lại mà từ từ chìm vào trong cái buồn man mác một cách không thể tự kiềm chế. Giọng hát ấm áp lại được kiểm soát tốt. Có thể nói, trong chất giọng ấy có một thứ ánh sáng thông minh lấp lánh. Trong Top Of The World, cô hát trập trùng như đang trên hành trình tìm kiếm niềm hạnh phúc

“Chẳng phải đám mây lững lờ trên bầu trời

Đó là mặt trời trong ánh mắt em

Và em cũng chẳng ngạc nhiên nếu như đây chỉ là giấc mơ…”

Karen ngân nga ở chữ “dream” (giấc mơ), như thể cô ấy đang nắm bắt lấy lời giải thích hợp lý nhất. Giọng Karen chìm đắm trong điệp khúc, truyền cảm hơn nhiều so với ý định ban đầu của tác giả.