Cây đàn Piano trên thế giới đã có lịch sử phát triển hơn 500 năm mà tiền thân của nó là cây đàn Clavecin (tên tiếng Ý) hay còn gọi là Harpsichord (tên tiếng Anh). Năm 1709 một nghệ nhân người Ý – Bartolorneo Cristofori (Florence – Italia) đã sáng tạo ra cây đàn Piano đầu tiên trên thế giới gọi là Piano et forte (nhẹ và mạnh) [75; 82]. Âm nhạc thế kỷ thứ XVIII đã có một bước tiến quan trọng với sự ra đời của cây đàn Piano.
Ở Việt Nam, cây đàn Piano xuất hiện từ bao giờ vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp dứt khoát. Theo tài liệu “Tân nhạc Hà Nội”, các nhà nghiên cứu cho rằng đàn Piano có mặt tại Việt Nam sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong khoảng thời gian từ 1914 – 1918. Tuy nhiên, luận án tiến sĩ của GS.TS.NGND Trần Thu Hà về
“Nghệ thuật Piano Việt Nam” đã khẳng định đàn Piano xuất hiện lần đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1912 phục vụ cho mục đích truyền đạo.
Sự nghiệp đào tạo chuyên nghiệp đàn Piano ở Việt Nam được hình thành cùng với sự ra đời của các cơ sở đào tạo âm nhạc lớn trên cả nước: Trường Âm nhạc Việt Nam – năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế – năm 1962 (nay là Học viện Âm nhạc Huế), Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn – năm 1956 (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh) và tiếp theo là hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học Văn hóa – Nghệ thuật trên cả nước được dần dần mở ra sau này.
Đề cập về vai trò của cây đàn Piano trong đời sống âm nhạc Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Minh Anh trong công trình nghiên cứu của mình (luận án tiến sĩ “Sự phát triển nghệ thuật Piano Việt Nam” – 2008) đã nhận định nghệ thuật Piano Việt Nam giai đoạn trước Cách Mạng tháng Tám là còn chưa mang tính chuyên nghiệp và ở trình độ thấp.
Giai đoạn những năm đầu của thập niên 60 thế kỷ XX đời sống âm nhạc của thủ đô Hà Nội và tại một số thành phố lớn miền Bắc đã phát triển tới trình độ cao, đặc biệt việc đưa nghệ thuật Piano tới đông đảo quần chúng thông qua những chương trình biểu diễn mang tính chất chuyên nghiệp cũng rất được quan tâm. Những thập niên 80, giai đoạn của thời kỳ “mở cửa” đã tạo ra các điều kiện, cơ hội và thách thức trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa dẫn đến nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Để lại một bình luận