Âm nhạc thiếu nhi là một bộ phận quan trọng của nền âm nhạc nước nhà. Nó cần thiết để nuôi dưỡng tinh thần con trẻ, mang đến những giai điệu hoàn hảo hơn cho tuổi thơ của chúng.
Âm nhạc đối với những đứa trẻ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 chỉ là những tiếng ru hời, những âm thanh từ nhạc cụ dân gian như đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn nhị, sáo, tiêu… Nhưng không phải vì thế mà suối nhạc cạn khô, những câu đồng dao, nói vần hát đố vẫn nảy nở những giai điệu dân gian, chỉ chưa có bất cứ nhạc phẩm nào dành riêng cho trẻ.
Sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống thực dân Pháp
Bắt đầu thời gian này xuất hiện những nhạc phẩm dành cho thiếu nhi, do sự phát triển của các tổ chức hướng đạo sinh, các nhạc sĩ được tiếp xúc với nền âm nhạc hiện đại của phương tây, văn hóa cởi mở hơn, âm nhạc cũng được phổ rộng ở nhiều thể loại.
Những bài hát như Thằng Bờm, Con cò, Con voi, Con mèo trèo cây cau đều là những nhạc phẩm được phổ nhạc theo ca dao…
Sau đó do nhu cầu tuyên truyền, giáo dục, tập hợp đám đông, động viên tuổi nhỏ, nhiều bài hát thiếu nhi đã ra đời như: Mơ Liên Xô, Bé yêu Bác Hồ của Đỗ Nhuận, Trung thu chèo thuyền của Tống Ngọc Hạp, Dung dăng dung dẻ của Hùng Lân viết năm 1946 nhân dịp Tết trung thu đầu tiên Bác Hồ vui chơi với trẻ em Hà Nội… Cũng có một vài hoạt cảnh, kịch hát ngắn được trình diễn tương đối sinh động như Diệt sói lang, Con thỏ ngọc nhạc của Lưu Hữu Phước, Ông trăng và bày trẻ của Phong Nhã…
Âm nhạc thiếu nhi từ những năm 1954 đến 1975
Giai đoạn sau hòa bình lập lại
Đây là thời kỳ đánh dấu bước đầu phát triển mới trong sự nghiệp sáng tác cho thiếu nhi của các nhạc sĩ Việt Nam. Đối tượng người nghe nhạc là các em nhỏ được chú trọng nhiều hơn do mục tiêu định hướng về giáo dục của xã hội.
Những Phong Nhã, Văn Chung, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Đức Toàn, Xuân Giao, Hoàng Hà, Trần Hữu Pháp, Phan Nhân, Mộng Lân, Tân Huyền, Văn Dung, Hoàng Long – Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích, Nghiêm Bá Hồng… đã có nhiều tác phẩm nhạc thiếu nhi để đời sống mãi với thời gian.
Cũng trong giai đoạn này nhiều tập sách nhạc dành cho thiếu nhi được xuất bản như Ca múa học vui, Tiếng gà gáy, Nhựa mới, Nhi đồng ca…
Giai đoạn chống chiến tranh phá hoại miền Bắc và chống Mỹ cứu nước
Phải nói rằng đây là một thời kỳ phát triển khá rực rỡ của các hoạt động âm nhạc cho thiếu nhi cả trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Trong tình hình cả nước có chiến tranh, cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới cực kỳ gay go, ác liệt, phong trào ca nhạc thiếu nhi đã hòa vào bản hợp đại hợp xướng “Tiếng hát át tiếng bom” của cả dân tộc.
Bên cạnh các trường âm nhạc chuyên nghiệp, các trường văn hóa nghệ thuật ở nhiều địa phương được thành lập hệ thống sơ cấp và trung cấp âm nhạc, các Nhà thiếu nhi, Câu lạc bộ thu hút nhiều trẻ em có năng khiếu để đào tạo bồi dưỡng những năng khiếu nghệ thuật cho đất nước. Phong trào thiếu nhi ca hát có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Các phương tiện thông tin đại chúng giúp các em được tiếp xúc nhiều hơn với âm nhạc, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam với những chương trình ca nhạc thiếu nhi luôn được cải tiến…
Trên cái nền rộng lớn của âm nhạc cách mạng, âm nhạc thiếu nhi đã có một tiếng nói đầy hiệu quả, trong thời bình cũng như trong thời chiến, góp phần động viên, khích lệ toàn thể nhân dân và bộ đội chiến đấu và chiến thắng.
Giai đoạn từ sau giải phóng miền Nam (1975) đất nước Việt Nam thống nhất đến 1995
Từ sau đại thắng hào hùng mùa xuân tháng 4-1975, lịch sử nước ta chuyển sang một trang mới. Âm nhạc Việt Nam bước vào một thời kỳ mới trong đó có âm nhạc thiếu nhi.
Sáng tác cho tuổi nhỏ phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhạc sĩ cả nước. Phong trào ca hát rầm rộ qua hệ thống các Nhà thiếu nhi, các câu lạc bộ, các Đội thiếu niên nhi đồng. Hàng loạt Nhà thiếu nhi các tỉnh, thành ra đời, đầu tiên là Cung thiếu nhi Hà Nội đến các Nhà thiếu nhi Hải phòng, Hải Dương, phành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam – Đà Nẵng, Cần Thơ… và rất nhiều các quận – huyện thuộc các thành phố lớn… Các hội diễn thiếu nhi hàng năm liên tục được tổ chức. Các đội Sơn ca đài Tiếng nói Việt Nam, Đội Vàng anh, Chim khuyên Nam Định, Đội Hải Yến – Hải phòng, Đội ca của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu tại thành phố Hồ chí Minh… đều là những đơn vị ca hát thiếu nhi có nhiều đóng góp cho phong trào chung…
Đài Tiếng nói Việt Nam có sáng kiến tổ chức một sân chơi bổ ích đầu tiên cho thiếu nhi – Hội diễn hoa phượng đỏ trên sóng phát thanh hàng năm. Đó là một động lực thúc đẩy phong trào ca hát thiếu nhi trở nên rộng khắp cả nước, được các em hưởng ứng nhiệt tình và cũng là động cơ khích lệ các nhạc sĩ đến với trẻ em đông đảo hơn.
Do nhận thức được vai trò cần thiết của âm nhạc trong đời sống xã hội nói chung và trong đời sống tinh thần của tuổi thơ nói riêng, nhiều cơ quan, ban ngành từ TƯ đến các địa phương đã có các cuộc hội thảo, liên hoan ca nhạc thiếu nhi, hội diễn hát dân ca, nhiều tài liệu được biên soạn, nhiều bài báo đề cập xoay quanh vấn đề này đã có tác dụng nhắc nhở xã hội quan tâm tới lĩnh vực ca hát và giáo dục âm nhạc cho trẻ em.
Giai đoạn từ 1995 đến nay
Đây là thời kỳ đổi mới toàn diện mạnh mẽ trên đất nước ta, từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Kinh tế – văn hóa xã hội đều có những bước phát triển nhanh, mạnh. Âm nhạc Việt Nam có những bước chuyển mang theo cả những yếu tố trong lành của luồng gió mới đồng thời cũng bộc lộ những khiếm khuyết do ảnh hưởng của cơ chế thị trưởng dội vào.
Các hoạt động âm nhạc dành cho thiếu nhi vẫn được duy trì. Do điều kiện công nghệ phát triển thuận lợi, các đĩa nhạc cho thiếu nhi (CD,VCD) được in ấn và phát hành sâu rộng bao gồm cả âm nhạc cho mẫu giáo đến thiếu niên nhi đồng… Bài hát của nhiều tác giả được thu đĩa, làm thành những album cá nhân, tự phát hành hoặc do các công ty băng – đĩa phổ biến khắp nơi, tràn lan, thậm chí không có sự kiểm soát nào. Trong trường phổ thông, ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, bắt đầu từ năm 2002 môn âm nhạc được Bộ giáo dục – đào tạo quy định trở thành một trong các môn học chính thức, bắt buộc. Chương trình và Sách giáo khoa âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 9 cũng chính thức lần đầu tiên được ban hành trong toàn quốc.
Nhìn tổng thể bình diện âm nhạc thiếu nhi một số năm gần đây, những người quan tâm tới lĩnh vực này đã có chung một nhận định: âm nhạc thiếu nhi thừa mà thiếu, thiếu mà thừa. Những bài hát đã có đời sống thường lặp lại trong các hội diễn, trong khi số bài mới quá nhỏ nhoi và chất lượng lại chưa tốt, thường chỉ xuất hiện một lần rồi “biến mất”. Người chuyên viết cho thiếu nhi không nhiều nhưng người hòa âm, phối khí, dàn dựng lại rất có năng lực và chuyên môn vững vàng. Ít bài có sức lan tỏa rộng, hầu hết chỉ được phổ biến thu gọn trong một địa phương nho nhỏ, từng vùng. Một số bài có lời ca còn rất thô thiển, âm nhạc lai căng, dễ dãi, ít tính thẩm mỹ, bài hát đôi khi phản cảm, thiếu tính giáo dục… Đặc biệt, loại bài hát dành cho lứa tuổi Trung học phổ thông còn hiếm hoi. Chính vì thế, có hội diễn, các em hát cả bài của người lớn, cả nội dung và nghệ thuật đều quá sức, quá tải.
Trẻ em đang rất cần âm nhạc, loại âm nhạc phù hợp với lứa tuổi, có chọn lọc, có tính nghệ thuật cao và tính giáo dục để đồng hành trong đời sống văn hóa xã hội tiến kịp với thời đại. Sứ mệnh cao quý này đang trông chờ các nhạc sĩ, đặc biệt là lớp nhạc sĩ trẻ hiện nay.