Bảo Lan là một thành viên của nhóm nhạc 5 dòng kẻ nổi tiếng, cô được biết đến với vai trò là ca sĩ, nhạc sĩ và được nhiều người nhắc đến nhờ bộ sưu tập nhạc cụ của nhiều nước trên thế giới.
“Mỗi lần đi lưu diễn ở nước ngoài, thay vì đi mua sắm quần áo, trang sức như bao đồng nghiệp khác, thì mình lại một mình lần tìm vào các cửa hàng bán nhạc cụ từ cũ đến mới để kiếm cho bằng được những món độc đáo và mang tính truyền thống của từng vùng miền. Có lần vì quá mải mê tìm kiếm mà lạc đường, khiến cả nhóm phải phân nhau đi tìm”. Bảo Lan chia sẻ thú đam mê của mình.
Hiện tại, cô đã sưu tập được hơn 20 nhạc cụ từ những bộ gõ, bộ trống Percussion, Conga, Bongo của Mỹ La-tinh đến những chiếc tù và, đàn thập lục, tỳ bà, tranh, sáo mang đậm chất Việt… Ngoài ra còn có những dụng cụ đặc biệt như ống đổ của Brazil, khi nghiêng ống sẽ nghe được âm thanh như tiếng mưa tí tách. Tùy theo mức độ nghiêng mà cho ra những hiệu ứng tiếng mưa khác nhau. Hay như chiếc đàn Tra Ngô của người Tây Bắc khi rung lên âm thanh thánh thót và vọng đi rất xa.
Nhưng đặc biệt hơn cả có lẽ là chiếc đàn nhỏ với hình dáng rất lạ có tên gọi là Kalimba của thổ dân châu Phi, được làm từ vỏ của một loại trái mà người bán cho cô cũng không biết tên. Phía trên là những thanh sắt khi dùng ngón cái búng nhẹ phát ra những âm thanh rất lạ tai. Nếu di chuyển vị trí của thanh sắt này thì sẽ tạo ra những hiệu ứng âm thanh hoàn toàn khác. Chiếc đàn này đã lấy của Bảo Lan rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu cách sử dụng, cô tháo rời ra từng món, sau đó ráp lại để cho đúng với âm thanh mà mình thích.
Không có vẻ ngoài đặc biệt như chiếc đàn thổ dân nhưng cây Kytar của những nhóm nhạc thập niên 1970 cũng tốn của cô 1 năm ròng săn lùng và thuyết phục để được sở hữu. Chiếc đàn nhỏ gọn này rất đa năng, ngoài việc dễ dàng trong việc di chuyển ở chuyến lưu diễn xa thay cho cây piano, nó còn thay thế tiếng guitar trong trường hợp cần dùng đến.
Hầu như không có loại nhạc cụ nào khiến cho Bảo Lan phải “bó tay”. Sở thích của cô là tìm hiểu nguồn gốc và khám phá cách chơi trên mỗi loại nhạc cụ với mục đích đưa vào những bài hát mà nhóm trình diễn. Những giờ rảnh rỗi là cô lại đem bộ sưu tập của mình ra lau chùi và ngắm không chán.
Hầu hết những nhạc cụ trong bộ sưu tập của cô được làm từ chất liệu da, gỗ, tre nứa nên cần phải được bảo quản ở nhiệt độ tốt, sử dụng thường xuyên. Đây cũng là lý do khiến căn phòng nhỏ của cô mỗi ngày thường vang lên nhiều giai điệu khác nhau. Bảo Lan tâm sự: “Tôi thực sự thấy rất thư giãn khi chìm đắm trong những giai điệu. Lúc ấy dường như mọi mệt mỏi tan biến đâu mất và bắt đầu cho công việc hết sức hiệu quả”.