Những thể loại âm nhạc dân gian của việt nam

Cuộc sống hiện đại cùng với sự du nhập ồ ạt của các dòng nhạc nước ngoài cùng phong trào làm mới văn hóa truyền thống khiến cho các thể loại âm nhạc dân gian vốn nổi tiếng của Việt Nam dần phai nhạt. Tuy vậy vẫn có một thế hệ người yêu nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm thầm thắp lửa, duy trì các bộ môn âm nhạc dân gian và dần đưa chúng lại qua các tiết mục pha trộn giữa hai thể loại dân gian và hiện đại, mang đến sự mới mẻ trong gu nghe nhạc của một đại bộ phận người nghe, nhất là giới trẻ. 

Âm nhạc truyền thống nước ta bắt nguồn từ xa xưa, ngay khi cuộc sống con người được hình thành. Nhờ tính chất của lối sống cộng đồng cố kết cùng với những tinh hoa trong ngôn từ, âm thanh, âm nhạc truyền thống được khai sinh với nền tảng là những lời ru, những lời ca dao mộc mạc chân tình. Không chỉ vậy, với sự sáng tạo của người Việt cổ cùng sự du nhập của các nhạc cụ Trung Hoa, người Việt càng ngày càng tạo ra được những âm thanh đa dạng, các nhạc cụ, nhạc khí khác nhau để thể hiện cảm xúc, bộ lộ tâm tư. Chính âm nhạc đã giúp cho đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú, trở thành nét văn hóa đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong quá trình phát triển của dòng văn hóa dân tộc, có rất nhiều các thể loại âm nhạc được ra đời. Đầu tiên phải kể đến thể loại âm nhạc truyền thống nổi bật của Việt Nam – dân ca bao gồm các loại như hò, lý, quan họ… Trong đó, dân ca quan họ Bắc Ninh trở thành di sản văn hóa phi vật thể được công nhận bởi UNESCO đang được các bạn trẻ đón nhận và yêu thích. Bên cạnh đó, còn có thể loại nhạc cung đình, dành riêng cho các không gian triều đình ngày xưa của các triều đại phong kiến, bao gồm có nhã nhạc và đại nhạc chủ yếu dùng trong các lễ nghi. Và đặc biệt nổi tiếng nhất trong thể loại này là Nhã nhạc cung đình Huế – cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận. Ngoài ra, âm nhạc truyền thống Việt Nam còn thịnh hành nhạc lễ với đặc trưng là hát chầu văn thường được sử dụng cho các nghi lễ Phật Giáo và đạo Cao đài. Các tác phẩm hát xẩm, chèo, tuồng, cải lương… với những giai điệu lạ lẫm cũng là một thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam, được gọi dưới cái tên nghệ thuật trình diễn. Hơn thế nữa các loại nhạc như đờn ca tài tử, ca trù và ngâm thơ cũng là một dạng nhạc thính phòng của thể loại âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Nhắc đến âm nhạc truyền thống, chúng ta không thể không nhắc đến đặc sản dân ca của vùng đồng bằng phía Bắc – thể loại quan họ. Quan họ thường được thấy là màn biểu diễn giữa các cặp đôi nam nữ, hay còn gọi là lối hát theo kiểu đối đáp giao duyên với những lời ca đầy tình ý, nhiều ý nghĩa thâm sâu mà rất mực duyên dáng, ngọt ngào, đậm chất trữ tình. Quan họ cũng là thể loại âm nhạc truyền thống phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng ca dao, dân ca vì mỗi bài lại có một giai điệu riêng, và cho đến nay thì đã có tới 300 bài quan họ được ký âm. Không chỉ vậy, quan họ còn tạo đặc trưng với những bộ trang phục dân gian của người Việt là áo tứ thân, khăn mỏ quạ hay quần lĩnh đen…và người biểu diễn được gọi là các liền anh, liền chị.

Nếu quan họ là đặc trưng của dân ca miền Bắc thì miền Trung cũng sở hữu loại âm nhạc truyền thống – nhã nhạc cung đình Huế, là thể loại đầu tiên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nước ta. Nhã nhạc cung đình Huế được nhân loại đánh giá là thể loại âm nhạc đạt đến độ chín muồi, tinh xảo và hoàn chỉnh nhất. Không chỉ vậy, thể loại này còn mang đến một phong vị rất riêng, mang đặc trưng âm thanh của nhiều loại nhạc khí cung đình với cách chia hai phe nhạc là nhóm phe văn và nhóm phe võ, các nhạc cụ hòa tấu cũng được sắp xếp và phối âm hài hòa. Những âm thanh từ nhã nhạc cung đình Huế tạo nên một không gian rất riêng, vừa mang cảm giác hoài cổ, lại mang đến sự thanh tao, vừa nhẹ nhàng lại vừa náo nhiệt, dường như tái hiện lại một vương triều Nguyễn xưa. Có lẽ bởi chính nhã nhạc được coi như là một phương thức để bày tỏ tấm lòng và là phương tiện bày tỏ sự biết ơn, tôn kính đến các vị thần linh, bậc đế vương nên chúng mới trở nên đặc biệt như vậy.

https://www.youtube.com/watch?v=nYwpSXQRYsg

Bên cạnh quan họ của miền Bắc, nhã nhạc của miền Trung thì miền Nam nước ta cũng sở hữu một di sản phi vật thể có tên là Đờn ca tài tử – thể loại âm nhạc truyền thống đặc sắc. Xuất xứ của loại hình này là từ ca Huế sau thay đổi trở thành một loại nhạc thích phòng dân gian, thường được biểu diễn trong nhà, gia đình, làng xóm nhỏ. Sau đó, khi sự phổ biến của thể loại này tăng lên, được ưa chuộng bởi nhiều người dân chúng đã trở thành một thứ âm nhạc ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân ta. Đờn ca tài tử thường được biểu diễn cùng một ban nhạc ngũ tuyệt với năm nhạc cụ chính là đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò và đàn tam có phụ họa là sáo lỗ. Trong đó vai trò của người ca sĩ và nhạc sĩ là tương đương, và vai trò của người nam và người nữ trong nhóm biểu diễn cũng giống nhau. Nhờ vào đặc trưng màu giọng và sự kết hợp nhuần nhuyễn của âm thanh nhạc cụ, đờn ca tài tử mang đến một sắc màu miền nam rõ nét với sự mộc mạc, giản dị mà chân thành cùng những lời ca giàu ý nghĩa.

Có thể nói, âm nhạc truyền thống Việt Nam có rất nhiều thể loại đa dạng từ âm thanh, lời ca cho đến biểu diễn. Mỗi loại đều mang một đặc sắc riêng, góp phần làm phong phú kho tàng ca dao, dân ca Việt Nam. Việc duy trì và bảo tồn các thể loại âm nhạc truyền thống cũng là góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.