Nghệ thuật là gì, làm thế nào nó trở thành nền tảng cho biểu cảm của con người?

Trước khi một đứa trẻ nói thì trẻ hát. Trước khi trẻ viết thì trẻ vẽ. Ngay khi trẻ biết đứng thì chúng nhảy múa. Nghệ thuật là nền tảng cho mọi biểu cảm của con người. 

Trong câu nói này đã nói lên sự quan trọng của nghệ thuật, nhưng nghệ thuật là gì, làm thế nào nó trở thành nền tảng cho biểu cảm của con người? Hãy cùng chúng tôi theo dõi  bài viết của một người dùng trên trang mạng xã hội Medium để hiểu rõ hơn về các khái niệm này nhé. 

Nghệ thuật là một từ mà chúng ta được nghe ở khắp mọi nơi, từ nhỏ tới tận giờ và sẽ còn dài lâu ở tương lai nữa. “Tác phẩm rất có tính nghệ thuật”. “Nghệ thuật dùng từ đã đạt đến cấp cao siêu”. “Anh ấy nghệ sĩ lắm”.

Nhưng nếu hỏi “Nghệ thuật là gì?”, mình sẽ ú ớ một hồi, sau đó nghĩ đại ra nói “Nghệ thuật là những thứ gì đó không bình thường, những thứ gì đó rất… nghệ thuật”. Rồi hỏi tiếp “Vậy nghệ thuật để làm gì? Sao người ta lại phải bày ra nghệ thuật chi cho mệt vậy?”. Tôi sẽ im bặt và tặng họ một nụ cười trìu mến.

Sau khi cười xong thì tôi đi học, rồi về tìm hiểu thêm, giờ biết được chút (xíu) thì viết bài chia sẻ với mọi người này.

Thứ nhất là về định nghĩa “Nghệ thuật”, thì chúng ta có thể hiểu Nghệ thuật theo 2 nghĩa:

Là những loại hình sáng tạo văn hóa làm lay động đến cảm xúc và tư tưởng của con người. Ví dụ như hội họa, âm nhạc, điện ảnh,…

Là những kỹ năng trong cuộc sống hằng ngày của con người đã đạt đến bậc rất cao, ví dụ như chúng ta hay gọi là nghệ thuật nấu ăn, nghệ thuật gọt táo,…

Trong bài viết này mình sẽ chỉ nói đến nghệ thuật với ý nghĩa số 1 thôi nhé. Giờ vô câu hỏi chính: Nghệ thuật để làm gì?

Nghệ thuật để cho con người.

Chúng ta biết là con người chúng ta thì có 2 phần: Phần cứng và phần mềm. Phần cứng là cái bo đì, là vẻ bề ngoài, là cái ta mặc, là môi mọng son đỏ. Còn phần mềm là cái nội tâm, lòng tốt bụng, là thứ ta nói ra, là điều khiến đôi môi ta cười. Cả 2 phần này đều quan trọng và thiết yếu cho chúng ta cả. Phần cứng là cái nền tảng, không có nó thì chẳng có chúng ta đâu. Và phần mềm là cái khiến chúng ta thăng hoa, là người bất hạnh hay hạnh phúc nhất trần đời cũng đều do phần mềm này cả.

Để sống tốt thì chúng ta phải nuôi dưỡng 2 phần này. Phần cứng thì cho ăn, tập thể dục, mua đồ đẹp. Còn phần mềm thì lại khó hơn, vì đa phần những giá đó là trừu tượng, không phải ai cũng nhìn thấy và nhận ra phần mềm của mình cần gì, thiếu gì và đói cái gì. Có lẽ đây là vấn đề của xã hội chúng ta hiện nay, khi chăm lo thiệt là nhiều cho cái phần cứng, mà bỏ quên cái phần mềm kia.

Và thiệt tình cờ và bất ngờ, con người ta (là những người từ cổ chí kim khắp đông tây nam bắc trên thế giới này) đã sáng tạo ra nghệ thuật. Nghệ thuật chính là một trong những thứ nuôi dưỡng cái phần mềm kia của con người. Xem một bức tranh khiến ta bồi hồi nhớ về quê hương. Nghe một bản nhạc khiến cô gái siêu lòng bên chàng trai. Xem kịch về cậu Ba trở nên hiền lành dễ thương hơn.

Nghệ thuật là những tác phẩm không phải để chúng ta ăn vào là no liền, mà là để chúng ta thưởng thức, từ đó có những rung động, cảm xúc, hay suy tư ở trong lòng mình. Nó như là những hạt giống gieo mầm nên những giá trị cao đẹp trong tâm hồn chúng ta. Mới đầu cảm nhận nghệ thuật thì ta thường chẳng cảm thấy gì cả, chẳng thấy no, chẳng thấy đã, chẳng thấy người mình mập hơn tí nào. Những điều nghệ thuật làm là theo một cách từ từ, rất từ từ. Và tùy thuộc vào ngộ tính của mỗi người, tùy thuộc kinh nghiệm sống, vào kỹ năng suy tư,… mà chúng ta sẽ cảm nhận nghệ thuật khác nhau và cũng nhận được từ nghệ thuật những giá trị khác nhau.

Nghệ thuật đẹp vậy đó, và còn làm đẹp tâm hồn mình thiệt đó.

Tôi sẽ học để biết quý trọng nghệ thuật hơn, và biết thưởng thức nghệ thuật hơn.